Chờ năm mới Đỗ Phấn bày… dê

Họa sĩ Đỗ Phấn vừa bày một triển lãm chung với bạn. Mà là bạn tri kỷ hẳn hoi, sau chẵn 24 năm kể từ ngày cùng bày chung triển lãm, cũng tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).
Họa sĩ Đỗ Phấn vừa bày một triển lãm chung với bạn. Mà là bạn tri kỷ hẳn hoi, sau chẵn 24 năm kể từ ngày cùng bày chung triển lãm, cũng tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội). Và thú vị ở chỗ, cuộc bày tranh lần này, Chu Hồng Sơn vẫn bày tranh hoa, còn Đỗ Phấn vẫn mang tới 25 bức tranh… dê!

Con vật liều lĩnh và hài hước

Tôi nhớ mấy tháng trước có gặp Đỗ Phấn, thấy ông có vẻ bận bịu. Hỏi ra mới biết ông đang “đóng cửa” để vẽ tranh con dê. Ông từ chối nhiều cuộc tụ bạ, từ chối vài chuyến mời mọc đi chơi xa, không nhận lời ở vài nơi gọi đặt bài báo Tết. Chỉ vì ông muốn dành được tâm trí cho loạt tranh mừng xuân Ất Mùi. Và hôm rồi, khi bước chân vào triển lãm, mới thấy công sức ông bỏ ra quả thật đáng khâm phục. 25 bức tranh là những câu chuyện, những góc nhìn sống động về một con vật thật ra không quá gần gũi với con người, nhất là người ở các thành phố lớn. Nhưng trong tranh Đỗ Phấn, con dê hiện ra thật đáng yêu qua bảng mầu và nét vẽ phóng khoáng. Thế nên không quá ngạc nhiên khi phần lớn những bức tranh này vừa mang bày triển lãm đã có người gắn nhãn đặt mua.

Họa sĩ Đỗ Phấn.

Đỗ Phấn vẽ dê tất nhiên có lý lẽ riêng của mình. Vì năm mới này là năm Ất Mùi, năm con dê. Mà con dê, trong mắt Đỗ Phấn, là một con vật rất đặc biệt, từ hình ảnh đến tính cách, đời sống. Dê là con vật bán hoang dã nên hồn nhiên, hài hước vô cùng. Những chuyến đi vùng núi cao ông đã quan sát kỹ tập tính của con vật này: được thả rông, tối tự quay về chuồng. Đỗ Phấn cho rằng dê là con vật tất nhiên là khỏe mạnh, đầy sức sống, liều lĩnh nhưng về mặt hình ảnh trông rất hài hước. 
Từ vài chục năm nay, ông có một thói quen dường như bất biến: những ngày trong năm vẽ tranh sơn dầu khổ lớn, theo những đề tài mà mình thích. Những lúc mệt, xoay qua viết văn, như một cách để thư giãn. Vào những ngày cuối năm, tập trung vẽ ít tranh con giáp để cho, biếu, bán, tặng bạn bè, như một cách mừng xuân mới. Năm nào con vật đó. Có con giáp vẽ tranh nào thích ngay tranh đó. Nhưng cũng có con vật đầy thách thức, vẽ cũng là một cách thử sức. 

Viết văn chỉ là… chuyện nhỏ

Mấy năm nay người ta thấy sách của Đỗ Phấn xuất hiện ràn rạt trên kệ sách. Năm rồi, dù chưa từng xin vào bất cứ hội văn chương nào, tên ông còn xuất hiện trong “bảng vàng” giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội với truyện dài Dằng dặc triền sông mưa. Nhiều người nghĩ Đỗ Phấn đã chán vẽ mà xoay sang nghề viết. “Ai nghĩ thế thì thực sự là một sự lầm lẫn”, Đỗ Phấn nói. “Vẽ, đó là công việc tôi được đào tạo, được học hành cẩn thận. Vẽ, giúp tôi có cuộc sống ổn định. Vẽ, đó là công việc hàng ngày, như hít thở, sao có thể bỏ được”. 

Một bức tranh con dê của Đỗ Phấn.

Nhiều người thấy Đỗ Phấn viết văn coi đó là “sự lạ”. Nhưng với Đỗ Phấn và những người quá quen thuộc với ông thì việc này có gì như là sự tất yếu. Bởi Đỗ Phấn sinh ra trong một gia đình chữ nghĩa. Việc trở thành họa sĩ của ông mới chính là “sự lạ” trong truyền thống gia đình. Đến khi đủ sống bằng hội họa, thì hoài bão từ lúc còn nhỏ trỗi dậy. Và cũng chính vì không phải quá lo lắng cho cuộc sống nữa nên viết và vẽ đều khá thong dong. “Viết văn người ta bảo là vất vả. Tôi thấy viết văn là… rất nhàn”, Đỗ Phấn nói. Rồi ông cười: “Những ngày mùa đông Hà Nội rét mướt thế này nhưng khi vẽ, tôi vẫn mặc áo cộc tay. Người vẫn toát mồ hôi. Không nhẹ nhàng chút nào nếu bạn ngày nào cũng phải “chiến đấu” để phủ kín những tấm toan khổ lớn”. Theo như Đỗ Phấn, ý tứ của một bức tranh còn đòi hỏi ngặt nghèo hơn so với khi ông viết một truyện ngắn. Bởi bức tranh thì có giới hạn về kích thước, còn văn chương thì thoải mái hơn, thậm chí ông có thể biến truyện ngắn thành truyện dài. 
Hỏi họa sĩ Đỗ Phấn vẽ nhiều như thế, mà lại từ chối gửi tranh bày ở gallerry thì nhà nào chứa cho hết. Ông cười thú nhận: “Mình phải chuyển nhà nhiều lần là để có chỗ chứa tranh”. Giờ mỗi khi xong một bức tranh, ông cũng không có đủ thời gian để ngắm nghía nhiều. Chỉ kịp mang máy ảnh ra, chụp lại, lâu lâu đổ vào máy tính lưu trữ. Còn tranh kia mang lên kho xếp gọn lại, khi nào có ai đó, có nhà sưu tập nào đó muốn mua, mua loại gì, ông mới ngó lại. 
>>> Xem thêm
Hợp tác cùng Thời nay