Lão nông vẽ tranh bằng khói bếp

Dùng chất liệu nhà nông như tre, nứa cùng khói bếp, người nông dân ở Long Khánh, Đồng Nai, đã sáng tạo ra thể loại tranh khói độc đáo bán với giá nghìn đô.
Rời quân ngũ về với ruộng vườn, người lính Vũ Quốc Sự (57 tuổi, phường Xuân An, Long Khánh, Đồng Nai) không nguôi niềm đam mê hội họa. Không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, song "máu cầm cọ" vẫn luôn thôi thúc ông sáng tạo ra những sản phẩm mỹ thuật bằng các chất liệu khác nhau mỗi khi rảnh rỗi.
anh-3371-1421611519.jpg
Phòng tranh khói bếp của lão nông Vũ Quốc Sự hàng ngày có rất nhiều người đến thưởng lãm. Ảnh: Hoàng Trường
Trong căn nhà của mình, ông dành riêng một phòng nhỏ cho dòng tranh mới mà ông tâm đắc. Nhìn những bức tranh bằng chất liệu khói bếp, lão họa sĩ nông dân kể lại: “Cách đây chừng 10 năm, tôi tháo dỡ nhà bếp trong rẫy bỗng thấy nhiều hình thù lạ mắt in trên những cây tre đen sì vì khói bếp. Lấy xuống cạo thử thì hiện ra phong cảnh hết sức hữu tình với hai màu tre và khói. Từ đó mình mới thử sức vẽ chơi cho thỏa lòng đam mê".
Những bức tranh ông vẽ ra từ khói ngày càng nhiều. Bạn bè hàng xóm cùng giới thiệu cho nhau dòng tranh lạ. "Lần đầu làm ra không nghĩ là bán, song có người đến xem thấy đẹp ngỏ ý mua nên tôi mới bắt đầu kinh doanh", ông Sự tiết lộ.
Để làm ra một bức tranh khói bếp nguyên liệu đơn giản với tre, nứa có sẵn, thời gian để hoàn thiện một sản phẩm hết sức công phu, trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên người họa sĩ chọn tre về ngâm, đóng thành liếp, sau đó đưa lên bếp hun khói chừng 3 tháng, xong mới bắt đầu ngồi vẽ. Thời gian cho ra đời "đứa con tinh thần" của ông Sự đôi lúc kéo dài 6-7 tháng.
Ông cho biết: “Hun khói là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình làm tranh vì nó quyết định đến sự thành công của sản phẩm. Đó là phủ bóng lớp khói sao cho đều, đạt chuẩn màu trên từng khuôn tre, yếu tố không thể tách rời để giúp một bức tranh có chiều sâu”.
anh-2-3108-1421611519.jpg
Gian bếp và 3 trái bầu hồ lô sẽ được ông vẽ "Phúc - Lộc - Thọ" cho Tết năm nay. Ảnh: Hoàng Trường
Đã vẽ qua nhiều loại tranh nhưng với ông, tranh khói có những nguyên tắc bất thành văn mà các dòng khác không có được, đó là sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Dụng cụ vẽ không phải là bút, cọ mà chỉ có mỗi cây kim và một con dao nhỏ. Cây kim dùng phác họa ý tưởng của bức tranh và con dao với nhiệm vụ cạo đi những phần thừa để tôn lên phần chính mà họa sĩ đã tạo ra trước đó.
Tranh khói của lão nông Long Khánh được vẽ theo phương thức cạo trắng khuôn tranh nên chỉ có hai màu trắng của tre và màu đen của khói bếp. "Vẽ tranh khói khó nhất là việc thổi hồn vào cho tranh, người vẽ phải biết chi tiết nào nên cạo sâu, chi tiết nào nên cạo mỏng để tạo nên từng khối màu phù hợp sao cho bức tranh có chiều sâu", ông nói.
Nếu tranh trên giấy vẽ sai là có thể vẽ lại được, thì thể loại tranh này không có phép người họa sĩ sai bất cứ công đoạn nào. Do nguyên liệu của nó là khói bếp có sẵn trên nền tre nên chỉ cần sai sót nhỏ là có thể vứt đi, mất công cả mấy tháng trời chuẩn bị. Khó khăn là thế, song với sáng tạo nghệ thuật cần cù và làm việc không biết mệt mỏi, tranh ông vẽ ra rất ít khi để hư hỏng mà luôn hoàn thành theo ý tưởng của mình.
anh-37-1752-1421611519.jpg
Bức tranh biển đảo quê hương bằng khói trên nền tre. Ảnh: Hoàng Trường
Đến nay, sau gần 10 năm sáng tạo nghệ thuật từ tranh khói bếp, nông dân Vũ Quốc Sự đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm bán trong và ngoài nước. Nội dung chủ đạo trong tranh của ông phần lớn là phong cảnh quê hương, biển đảo, chân dung người nổi tiếng... Tranh có giá từ 20 đến 80 triệu đồng một bức, nhận nhiều giải thưởng của UBND tỉnh Đồng Nai cũng như tham gia một số cuộc triển lãm trên toàn quốc.
Ngoài vẽ tranh khói trên nền tre, ông Sự đang thử nghiệm thay thế trên các chất liệu nhdư mica, thủy tinh, nhựa và bước đầu cũng cho kết quả khả quan. “Mong muốn lớn nhất của tôi là một ngày cây tre và khói bếp sẽ được bạn bè trên thế giới biết đến như một phần đặc trưng của con người Việt Nam", họa sĩ miệt vườn tâm sự.
Video: Lão nông vẽ tranh bằng khói bếp
Hoàng Trường